Facebook Zalo youtube
0917 886 177

DN Trung Quốc: “Nhòm ngó” ngành gỗ Việt

Các DN nên bình tĩnh ngồi lại với nhau và tìm những nguồn gỗ nguyên liệu thay thế cho gỗ tự nhiên như ván công nghiệp, các loại gỗ biến tính… (Ảnh: Sản xuất dăm gỗ XK tại Công ty TNHH TM sản xuất U&I Phương Quân – Hoà Vang – Đà Nẵng).

Trung Quốc hiện đã đóng cửa rừng tự nhiên tại 14 tỉnh thành, theo đó, 50% lượng gỗ nguyên liệu thiếu hụt nước này sẽ phải nhập khẩu, trong đó phần lớn sẽ đến từ Việt Nam.

Theo tìm hiểu của PV, thời gian qua, nhiều DN Trung Quốc đã thành lập nhà máy và cơ sở thu mua nguyên liệu gỗ ở hầu hết các vùng có nguyên liệu gỗ cao su, keo, tràm, đặc biệt là Tây Nguyên. Có đến 90% nguyên liệu gỗ tại Tây Nguyên đã bị Trung Quốc mua và họ trả tiền trực tiếp. Thậm chí, các DN Trung Quốc còn mở xưởng xẻ gỗ ngay tại chỗ và thuê người Việt đi thu gom gỗ.

Muốn có C/O Việt Nam

Chia sẻ với PV DĐDN, ông Lưu Phước Lộc – Giám đốc Cty Chế biến gỗ Mtrade cho rằng, nhiều DN nước ngoài đầu tư ở Bình Dương và mang thành phẩm gỗ gần như hoàn thiện sang VN lắp ráp và phủ sơn. Mục đích của họ là muốn lấy C/O của Việt Nam, vì hiện nay họ không được cấp C/O sang thị trường Mỹ do bán phá giá. Họ cũng muốn tận dụng nguồn nhân công giá rẻ của Việt Nam. Đánh giá của ông Lộc cũng cho thấy, trong cuộc chạy đua với Trung Quốc, các DN Việt hoàn toàn yếu thế. Sản phẩm xuất khẩu không thể cạnh tranh về giá vì Trung Quốc luôn có lợi thế nhờ sản xuất với quy mô toàn cầu. Thêm vào đó, họ có tài chính bền vững nên dễ mua nguyên liệu với giá cao hơn DN Việt.

Trước thực tế này, theo ông Tô Xuân Phúc – Tổ chức Forest Trend, ngành chế biến gỗ VN cần giải quyết tốt bài toán về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ông Phúc cũng cho rằng, nhà nước cần phải có bước đột phá trong giao đất cho hộ gia đình làm tăng tỷ lệ che phủ rừng. Dù trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vấn đề này đã được đề ra nhưng đến nay vẫn lúng túng trong thực hiện. Cùng với đó, liên kết cũng được xem là một giải pháp cho ngành gỗ phát triển bền vững. Đó không chỉ là sự liên kết giữa người trồng với DN chế biến, mà còn là sự kết nối giữa các DN với nhau.

Cần giám sát từ… đầu vào

Điều quan trọng, các cơ quan chức năng cần phải phát huy vai trò giám sát đối với nguồn gỗ chuyển tải từ Cty mẹ ở nước ngoài vào các DN có vốn đầu tư nước ngoài ở VN, ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ gỗ bằng cách giảm giá bán, kê khai không đúng quy cách gỗ nguyên liệu xuất khẩu. Bởi lẽ, chỉ có nhà nước mới có quyền khống chế sự “đội lốt” của các DN nước ngoài trong mục đích thâu tóm nguồn nguyên liệu gỗ của VN.

Cũng phải thừa nhận rằng, lỗi để các DN Trung Quốc có kế hoạch thâu tóm thị trường gỗ VN phần nào cũng xuất phát từ điểm yếu của các DN Việt, bởi lẽ, theo tìm hiểu của PV hiện nay, các DN sản xuất và chế biến lâm sản của VN chưa có kế hoạch mua hàng kéo dài trong một năm nên khó phát triển được nguyên liệu gỗ. Do đó, việc các DN nên bình tĩnh ngồi lại với nhau và tìm những nguồn gỗ nguyên liệu thay thế cho gỗ tự nhiên như ván công nghiệp, các loại gỗ biến tính…

Đây là nguyên liệu mới sẽ thay thế nguồn nguyên liệu gỗ tự nhiên mà nhiều nước trên thế giới đã sử dụng và trên thực tế, Cty Gỗ An Cường cũng đã thành công khi sử dụng loại nguyên liệu này trong sản phẩm.

Nhật Minh – Enternews.vn

English